I. PHẦN CHUNG
Câu 1: Tại sao Đảng và Chính phủ ta phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày 19/12/1946? Nêu ngắn gọn đường lối kháng chiến do Đảng ta đề ra trong những năm 1946 – 1947? (2 điểm)
* Đảng và Chính phủ ta phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp 19/12/1946 vì:
Pháp đã có dã tâm quay trở lại xâm lược VN và Đông Dương ngay khi nước ta vừa tuyên bố độc lập. Đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, Pháp được sự hỗ trợ của quân Anh đã nổ súng tái chiếm Nam Bộ. Sau đó chúng đánh rộng ra Nam Bộ. Song âm mưu của chúng không dừng lại ở đó, chúng muốn đưa quân ra Bắc chiếm toàn bộ VN và Đông Dương. Thấy được dã tâm của Pháp, Đảng, Chính phủ ta đã kiên trì giải quyết mối quan hệ Việt – Pháp bằng con đường hòa bình, thương lượng, thể hiện qua việc kí với Pháp hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và tạm ước 14/9/1946 tranh thủ thời gian hòa bình củng cố và phát triển lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ngay sau hiệp định 6/3/1946 Pháp đã thể hiện sự bội ước, mở các cuộc tiến công ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Ở Bắc Bộ, hạ tuần tháng 11/1946 quân Pháp khiêu khích, tiến công ta ở Hải Phòng và Lạng Sơn. Ngày 20/11/1946 Pháp giành quyền thu thuế quan của ta ở cảng Hải Phòng. Ngày 24/11 cho bắn súng vào các khu phố ở Hải Phòng. Tại Hà Nội, quân Pháp bắn súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi. Ngày 17/12/1946 chúng đốt nhà Thông tin ở phố Tràng Tiền, chiếm đóng cơ quan bộ tài chính, gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố hàng Bún, phố Yên Ninh... Ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi chính phủ ta phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để cho quân Pháp làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự ở Hà Nội. Nếu các yêu cầu đó không được chấp nhận thì chậm nhất ngày 20/2/ chúng sẽ hành động.
Trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân ta chỉ có một con đường là toàn dân đứng lên đánh Pháp giữ vững nền độc lập dân tộc. Tình thế khẩn cấp đòi hỏi Đảng và Chính phủ ta phải có quyết định kịp thời. Ngày 12/12/1946, Ban thường vụ TW Đảng đã ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Đáp lại tối hậu thư của Pháp, hội nghị Ban thường vụ TW Đảng Cộng Sản Đông Dương họp mở rộng vào ngày 18, 19/12/1946 tại Vạn Phúc – Hà Động do chủ tịch HCM chủ trì đã quyết định phát động toàn quốc kháng chiến và đề ra những chủ trương, đường lối kháng chiến của ta. Khoảng 20 giờ ngày 19/12/1946, công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy, cả thành phố mất điện là tín hiệu tiến công. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch HCM lan đi khắp nước. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là tiếng gọi của non sông, đất nước, là mệnh lệnh cách mạng tiến công soi đường và chỉ lối cho mọi người VN đứng dậy cứu nước. Ta đã chủ động nổ súng tiến hành cuộc kháng chiến, không chờ cuối thời hạn của tối hậu thư. Đây là cuộc chiến tranh cách mạng một cách chính nghĩa chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của Pháp. Cuộc kháng chiến này nhằm mục đích giành độc lập và thống nhất toàn quốc. Trong cuộc kháng chiến này dân tộc VN vừa phải tranh đấu để tự cứu mình, đống thời chiến đấu vì nền hòa bình thế giới, vì độc lập - tự do - dân chủ - hòa bình.
* Đường lối kháng chiến do Đảng ta đề ra 1946 – 1947:
Chỉ thị Toàn dân kháng chiến (22/12/1946), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) của chủ tịch HCM và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947) của đồng chí Trường Chinh là những văn kiện lịch sử quan trọng về đường lối kháng chiến, nêu rõ tính chất, mục đích, nội dung và phương châm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 22/12/1946 Ban thường vụ TW Đảng ra chỉ thị “ Toàn dân kháng chiến” nêu khái quát nội dung cơ bản về đường lối kháng chiến trong đó nêu rõ mục đích, tính chất, chính sách và cách đánh của ta. Năm 1947, Tổng Bí thư Trường Chinh viết tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” giải thích rõ đường lối kháng chiến của ta. Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh. Từ ba văn kiện đó đã toát lên đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
Kháng chiến toàn dân, tức là tất cả mọi người dân trên đất nước đều tham gia, lấy lực ượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Kháng chiến toàn dân thì Đảng ta phải giáo dục tổ chức, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Đường lối kháng chiến toàn dân sử dụng bài học cha ông ta từ ngày xưa để lại. Trong lúc đất nước ta còn nghèo, lực lượng chính quy nhỏ bé, vũ khí thô sơ, ta cần phát huy sức mạnh toàn dân, dựa vào dân kháng chiến mới đánh được lâu dài, phát huy được lối đánh du kích.
Kháng chiến toàn diện tức là tiến hành kháng chiến trên tất cả mọi lĩnh vực: ngoại giao, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Chúng ta tiến hành kháng chiến toàn diện mới phát huy được lực lượng toàn dân. Pháp đánh ta trên tất cả mọi mặt nên ta cũng đánh lại chúng trên tất cả các mặt khác.
Kháng chiến lâu dài, đây là một chủ trương sáng suốt của Đảng ta dựa trên sự vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê nin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, phát huy truyền thống cha ông, lấy yếu đánh mạnh, chính nghĩa chiến thắng hung tàn. Bên cạnh đó, Pháp đánh ta với âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh”, ta phải phá âm mưu đó. Tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch, ta thua về vật chất nhưng mạnh về tinh thần, như vậy thời gian lâu dài sẽ giúp ta có thời gian củng cố lực lượng vũ trang, trang bị về kinh tế, vũ khí, xây dựng hậu phương vững chắc để kháng chiến chống Pháp.
Kháng chiến tự lực cánh sinh, lúc này chúng ta chưa có sự liên hệ với một nước nào trên thế giới về vật chất – tinh thần nên chưa nhận được sự giúp đỡ của một nước nào. Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động trên tất cả các mặt, dựa vào nội lực của đất nước để chiến đấu. Đồng thời ta cũng tích cực kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế.
Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh chính là sức mạnh, động lực, là mục đích của nhân dân ta trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định cho thắng lợi của cách mạng.
Câu 2: Chiến dịch chủ động tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) là chiến dịch nào? Tóm tắt hoàn cảnh lịch sử, chủ trương của ta và ý nghĩa chiến dịch đó. (3 điểm)
Chiến dịch chủ động tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) là chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950.
* Hoàn cảnh lịch sử mới của cuộc kháng chiến
Từ sau chiến thắng Việt Bắc thu – đông 1947, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã có thêm những thuận lợi, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới có ảnh hưởng quan trọng đối với chúng ta.
Ngày 1/10/1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của ta quan hệ trực tiếp với các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 14/1/1950, chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với các nước. Từ tháng 1/1950, các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với ta, nâng cao địa vị, uy tín của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên trường quốc tế. Ngày 18/1/1950, chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ngày 30/1/1950 Chính phủ Liên Xô, và trong vòng một tháng sau, các nước trong phe xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ở Đông Dương, cách mạng Lào, Campuchia có bước phát triển mới. Phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp và các thuộc địa dâng cao phản đối chiến tranh xâm lược với những hình thức phong phú: lấy chữ kí, đưa đơn kiến nghị đòi hòa bình, ủng hộ cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Trong khi đó, Pháp lại đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tài chính.
Về phía thực dân Pháp, chúng có những âm mưu mới đối với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 13/5/1949, với sự đồng ý của Mĩ, Chính phủ Pháp đề ra kế hoạch Rơve. Với kế hoạch này, Mĩ từng bước can thiệp sâu và “dính líu” trực tiếp vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
Thực hiện kế hoạch Rơve, từ tháng 6/1949, Pháp khóa chặt biên giới Việt Trung bằng cách tăng cường hệ thống phòng ngự trên đường số 4 (Cao Bằng – Lạng Sơn). Thiết lập “hành lang Đông – Tây” (từ Hải Phòng – Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La) nhằm cắt đứt sự liên lạc giữa căn cứ địa Việt Bắc với đồng bằng liên khu III và IV. Với hai hệ thống phòng ngự ấy, Pháp chuẩn bị một kế hoạch quy mô lớn, nuôi dưỡng âm mưu tấn công lên Việt Bắc lần hai để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh.
Về phía ta, sau thắng lợi ở Việt Bắc, qua thời kỳ phát triển cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, bộ đội chủ lực ta đã trưởng thành, quân dân ta phấn khởi, tin tưởng hơn nữa vào Đảng, Chính phủ, Bác Hồ. Đến giữa năm 1950, thế và lực của ta thay đổi, chúng ta đủ sức chiến đấu với những âm mưu của thực dân Pháp đề ra.
* Chủ trương của ta
Việc Pháp thực hiện kế hoạch Rơve đã làm cho vùng tự do của ta bị thu hẹp, căn cứ địa Việt Bắc bị bao vây… Để phá tan âm mưu bao vây cô lập căn cứ địa Việt Bắc của Pháp và đưa cuộc kháng chiến lên bước mới, tháng 6/1950, Đảng và Chính phủ quyết định mở chiến dịch Biên giới, chọn hướng tiến công chính là đường sô 4 từ Lạng Sơn lên Cao Bằng nhằm ba mục đích: tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực địch; khai thông biên giới Việt – Trung để mở rộng đường liên lạc quốc tế của ta với các nước xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc); mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tạo đà thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận để cùng Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo và động viên bộ đội chiến đấu.
* Ý nghĩa
Với chiến thắng Biên giới thu – đông 1950 có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với cách mạng Việt Nam trong thời điểm này.
Đây là lần đầu ta chủ động mở một chiến dịch lớn tiến công địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Chiến dịch này tỏ rõ sự trưởng thành về nhiều mặt của quân đội ta: về chiến thuật, về chỉ đạo chiến tranh, về huy động nhân lực, vật lực cho một chiến dịch lớn. Điều này cho phép quân đội ta có thể mở nhiều chiến dịch lớn tiếp theo.
Chiến dịch Biên giới 1950 làm cho hình thái chiến tranh thay đổi trên chiến trường chính Bắc Bộ. Ta chuyển từ chiến tranh du kích sang chiến tranh chính quy trên một quy mô tương đối lớn. Địch từ thế chủ động quay sang phòng ngự bị động. Lực lượng so sánh giữa ta và địch trên chiến trường chính đã thay đổi do sự cố gắng của ta và sự chi viện của quốc tế. Ta chuyển sang thế chủ động ở chiến trường chính và ở miền núi, còn ở chiến trường đồng bằng bà các chiến trường phối hợp ta vẫn chưa đủ sức kiềm chế được địch.
Với chiến thắng Biên giới, con đường liên lạc của ta với các nước xã hội chủ nghĩa được khai thông, quân đội ta đã giành được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến.
Câu 3: Vì sao sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau? (2 điểm)
Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 về Đông Dương được kí kết đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia của thực dân Pháp, có sự giúp sức của đế quốc Mĩ. Nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 lad ranh giới phân chia tạm thời và có tính chất đơn thuần.
Chúng ta đã thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản quy định về đình chiến, tập kết chuyển quân và chuyển giao khu vực. Nhưng phía Pháp chỉ thực hiện khi có những đấu tranh mạnh mẽ và kiên quyết của nhân dân ta.
Thực hiện Hiệp định Giơ ne vơ, ngày 10/10/1954, quân ta tiến vào tiếp quản Hà Nội trong không khí tưng bừng của ngày hội giải phóng.
Ngày 1/1/1955, Trưng ương Đảng, Chính phủ, và chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt nhân dân thủ đô.
Ngày 16/5/1955 toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi đảo Cát Bà( Hải Phòng). Miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng.
Ở miền Nam, giữa tháng 5/1956, Pháp rút quân khỏi miền Nam khi chưa thực hiện cuộc hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam – Bắc Việt Nam theo điều khoản của hiệp định Giơ ne vơ. Pháp trút bỏ trách nhiệm thi hành những điều khoản còn lại của Hiệp định cho Mĩ – Diệm, người kế tục chúng ở miền Nam.
Ngay sau khi Hiệp định Giơ ne vơ 1954 được kí kết, Mĩ liền thay thế Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình DIệm ở miền Nam, thực hiện âm mưu chia cắt Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ ở Đông DƯơng và Đông Nam Á.
Tháng 9/1954 Mĩ ngang nhiên đặt miền Nam Việt Nam dưới sự bảo trợ của khối SEATO và giúp đỡ Diệm thực hiện ý đồ của mình.
Đưa được tay sai lên nắm chính quyền ở miền Nam Việt Nam, gạt hết quân Pháp và tay sai của chúng ra khỏi miền Nam, Mĩ đã thực hiện được bước đầu ý đồ độc chiếm miền Nam Việt Nam.
Chính quyền Ngô Đình DIệm, với sự giúp đỡ và có sự chỉ đạo của Mĩ, ra sức phá hoại Hiệp định Giơ ne vơ. Diệm tuyên bố “không có hiệp thương tổng tuyển cử, chúng ta không kí hiệp định Giơ ne vơ, bất cứ phương diện nào chúng ta không bị ràng buộc vào hiệp định đó”. Bằng một loạt hành động trái với Hiệp định, như bày trò “trưng cầu dân ý” để phế truất Bảo Đại rồi suy tôn Ngô Đình Diệm làm tổng thống (10/1955), tổ chức bầu cử riêng rẽ, lập quốc hội lập hiến (5/1956), ban hành hiến pháp của cái gọi là “Việt Nam cộng hòa” (10/1956), Diệm đã trắng trợn từ chối và phá hoại việc thống nhất Việt Nam.
Cùng với sự giúp đỡ dưới hình thức “viện trợ” quân sự, chính trị, kinh tế, miền Nam Việt Nam được xây dựng thành căn cứ quân sự, thành cơ sở kinh tế thực dân kiểu mới của Mĩ. Tất cả việc làm trên của Mĩ – Diệm không ngoài mục đích tách hẳn một phần lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào để lập ra một quốc gia riêng biệt, thậm chí là một phần lãnh thổ của nowcs Mĩ. Tháng 5/1957, Ngô ĐÌnh Diệm tuyên bố tại Oasinhton “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”.
Với tình hình trên, sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước chưa hoàn thành, nhân dân ta vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế ở miền Bắc, đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội, vừa phải tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà
II. PHẦN RIÊNG
Câu 4: Nêu các chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong các thời kỳ: 1949 – 1959, 1959 – 1978, 1978 – 2000. Rút ra nhận xét về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. (3 điểm)
* Thời kỳ 1949 – 1959
Về đối ngoại, từ 1949 – 1959, TQ thi hành chính sách ngoại giao tích cực nhằm củng cố hòa bình và thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới.
Ngày 14/2/1950 kí với Liên Xô hiệp ước Tương trợ hữu nghị hợp tác Xô – Trung. Phái quân chí nguyện sang giúp đỡ nhân dân Triều Tiên chống đế quốc Mĩ xâm lược trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953); ủng hộ các nước Á, Phi, Mĩ La Tinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp của Mĩ. Là một trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Trung Quốc có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế, tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế. Nhờ đó, địa vị của TQ đã được nâng cao rõ rệt.
Ngày 18/1/1950, Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
* Thời kỳ 1959 – 1978
Về đối ngoại, Trung Quốc ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mĩ xâm lược của nhân dân Việt nam cũng như cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Á, Phi và Mĩ La Tinh. Cũng trong thời kỳ này, đã xảy ra cuộc xung đột biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ (1962), giữa Trung Quốc và Liên Xô (1969), gây tổn thất trong quan hệ với 3 nước Đông Dương. Với các tranh chấp này, Trung Quốc dần mất địa vị trên trường quốc tế. Tháng 2/1972, Tổng thống Mĩ R.Ních xơn sang thăm Trung Quốc, mở đầu quan hệ mới theo hướng hòa dịu giữa hai nước.
* Thời kỳ 1978 – 2000
Về đối ngoại, chính sách của Trung QUốc có nhiều thay đổi, vai trò và địa vị quốc tế của nước này ngày càng được nâng cao. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, TQ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Mông Cổ, Inđônêxia… mở rộng hợp tác với nhiều nước trên thế giới. Sau sự kiện quân đội TQ mở rộng cuộc tiến công biên giới phía Bắc Việt nam (2/1979), quan hệ hai nước xấu đi. Tháng 11/1991, hai nước đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
TQ đã thu hồi chủ quyền đối với Hồng Công (9/1997) và Ma Cao (12/1999), Đài Loan và một bộ phận lãnh thổ của TQ, nhưng đến nay vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của nước này.
* Nhận xét: Khi TQ ổn định về kinh tế , chính trị thì thực hiện chính sách đối ngoại tiến bộ. Ngược lại, khi lâm vào tình trạng khủng hoảng thì thực hiện chính sách đối ngoai bất lợi cho các nước láng giềng và khu vực.